Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Bàn chơi về “văn học thị trường” - Vĩnh Thông

Đáng lẽ ra thì sẽ không có bài viết này. Nhưng cuối cùng rồi nó cũng ra đời. Đã từng nhiều lần là dự định cho một status ngắn ngắn trên Facebook cá nhân. Nhưng rồi lại cất ý định đó đi, vì… sợ. Sợ đụng chạm, sợ bị ném đá, sợ bị nói là mình phách lối, đủ thứ… Nhưng rồi, bài viết này cũng ra đời sau khi đọc một số tranh luận về “văn học thị trường” và “văn hóa đọc” của người trẻ hiện nay. Trước giờ nhiều người cứ nghĩ chỉ có nhạc thị trường, nhưng không, văn học cũng có, nó đang dần định hình.
Văn học, hay nói rộng hơn là nghệ thuật, theo tôi nghĩ giá trị của một tác phẩm không phải nhất thời, mà là lâu dài. Cái hay không ở khi ta đang trực tiếp thưởng thức mà là sau đó, khi kết thúc tác phẩm, hoặc tối ngủ, hoặc mấy ngày sau, người ta còn đọng lại cái gì? Ở đây không bàn đến những tác giả viết về cái gì, mà là viết như thế nào? Người viết có quyền tự do lựa chọn bất cứ đề tài nào mà mình thích, nhưng trước hết và trên hết, nó phải mang lại ý nghĩa gì, thông điệp gì, tác động gì đến người đọc.Đầu tiên nói về những quyển sách - những tập tản văn viết về tình yêu của các bạn trẻ - rất trẻ, đang làm mưa làm gió, nổi đình nổi đám, trên thị trường sách lẫn Internet hiện nay. Tình yêu là đề tài muôn thuở, có ý nghĩa đặc biệt đối với con người. Tình yêu của người trẻ thực sự đáng được trân trọng, giữ gìn, đồng cảm. Viết về tình yêu không có gì sai, nhưng phải viết thế nào để có ý nghĩa, và ý nghĩa truyền đi đó là gì? Viết về tình yêu không phải kiểu “anh yêu em, em yêu anh rồi hai đứa mình yêu nhau” bài nào cũng tương tự bài nấy. Cũng không phải chỉ bằng vài ba câu chải chuốt bóng bẩy vô thưởng vô phạt, nhạt nhẽo và sáo rỗng. Vậy mà hàng chục quyển tản văn, mỗi quyển có hàng chục bài viết, hầu như đều na ná nhau.
Những quyển sách đó mang giá trị gì về tư tưởng hoặc thẩm mỹ? Hẳn nhiên là sẽ có hiệu ứng thị trường nhất định, nhưng điều đó bắt nguồn từ đâu? Cái mà người đọc tiếp nhận được sau tác phẩm chẳng qua cũng chỉ là những tâm sự vu vơ, những đồng cảm dễ dãi nhất thời, sẽ để lại dấu ấn được bao lâu? Có những bài đọc từng câu từng đoạn thì bóng bẩy, nhưng đọc hết bài thì lại chẳng ăn nhặp gì nhau, không logic thống nhất. Cuối cùng, người đọc không khỏi ngạc nhiên vì chẳng biết tác giả đang muốn nói về cái gì, không có vấn đề gì được nêu ra hay giải quyết, chẳng qua là những dòng cảm nghĩ tạp nham lắp ráp, chắp nối. Có những bài, đọc xong cứ ngỡ như người viết không phải đang “tâm tình” về chuyện tình yêu, mà là đang dùng văn chương để ca tụng sự cao thượng của mình trong tình yêu. Chưa kể đến việc chúng lại còn có phần “bi lụy hóa” giới trẻ khi thực tế vấn đề cần đề cập không quá buồn sầu ão não như tác giả thể hiện.
Tôi thích cách nói có phần mỉa mai của một Facebooker có nickname Sas Ri: “Thêm một cái nhất cho Việt Nam! Quốc gia duy nhất trên thế giới có ‘dòng văn học status facebook’ thống lĩnh trong danh sách best-seller”. Nhưng xin lỗi, thú thật trước giờ tôi chưa từng xem đó là những tác phẩm văn học đúng nghĩa! Nếu muốn PR đánh bóng tên tuổi, người ta có thể và có quyền viết như thế. Nhưng nếu muốn tạo ra một thứ văn chương thực sự, thì dường như không phải như thế. Vấn đề này, Nam Cao ngày trước từng nhận định rất thấm thía: “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có”.
Trong khi đó, rất hiều bạn trẻ ra sức bênh vực loại văn chương mà mình ái mộ. Thậm chí có bạn viết: “Tôi và rất nhiều người như tôi cũng không tôn vinh thứ mà mình đang đọc chứa đựng tư tưởng thẩm mĩ gì lớn lao”. Thật phũ phàng quá! Người đọc văn chương mà nói rằng không tôn vinh tác phẩm chứa đựng tư tưởng lớn, thì nhà văn còn viết để làm gì nữa? Những tác phẩm kinh điển của nhân loại và những giải thưởng văn chương danh giá còn tồn tại để làm gì, khi mà người đọc không cần những tác phẩm mang tư tưởng lớn.
Ta hãy đọc lại lời Belinsky: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”. Hay như Nguyên Ngọc nói: “Nghệ thuật là phương thức tồn tại của con người giữ cho con người mãi mãi là con người, không sa xuống thành con vật và cũng không thành những ông thánh vô bổ vô duyên. Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người”.
Nhân đây lại bàn bạc rộng hơn, về cụm từ “văn hóa đọc” mà một bạn trẻ đã nhắc đến trong lời tranh luận của mình: “Mang suy nghĩ cá nhân của mình mà phê phán cả một nền văn hóa đọc thì có phiến diện quá không?”. Văn hóa đọc là gì? Hẳn không phải chỉ cầm quyển sách lên và đọc từ trang đầu tới trang cuối là xong. Nói tới “văn hóa” nghĩa là còn bao hàm nhiều phương diện khác, rất rộng lớn. Hãy nên xác định đọc cái gì, đọc để làm gì, đọc như thế nào, và tác động sau khi đọc. Cá nhân tôi nghĩ rằng, việc đọc những quyển “sách thị trường” của các bạn trẻ hiện nay chưa thể hình thành một “nền văn hóa đọc riêng” được.
Trong Cuộc thi hùng biện BNW 2014 ngày 2/3/2014 tại Hà Nội, bàn về văn hóa đọc,  sinh viên Nguyễn Thành Đạt nói: “Quá nhiều câu chuyện tình cảm phi thực tế, hồng hóa cuộc sống. Các bạn say trong ngôn tình, đắm chìm trong các câu chuyện về tình yêu qua email, game. Trong khi đó, cám dỗ cuộc đời khác với những con chữ trong sách”. Còn sinh viên Lê Khánh Linh nhận định: “Có người có thể khóc sướt mướt vì cuốn tiểu thuyết ngôn tình đẫm lệ nhưng lại thờ ơ trước những yêu thương bình dị xung quanh… Văn hóa đọc với tôi, là gấp cuốn sách lại và mở cuộc đời ra”.
Cách đây không lâu, báo điện tử Vietnamnet cũng có bài “Tổ chức Ngày Sách để cứu văn hóa đọc”. Tôi nghĩ việc “cứu” này không phải là dễ dàng khi còn quá nhiều người trẻ cứ chỉ mãi biết đến mỗi loại “sách thị trường”. Chỉ riêng nói về mảng văn học, trong đại bộ phận giới trẻ hiện nay, nhất là giới học sinh sinh viên, liệu có bao nhiêu người biết đến tên tuổi và đã từng đọc tác phẩm của một số nhà văn lớn trong văn học Việt Nam đương đại? Một blogger có bút danh Chou Le nhận xét: “Sách thị trường cũng như nhạc thị trường. Có nhạc, có người hát, nhiều người nghe, thu nhập cao nhưng vô nghĩa… Bạn nghĩ cái mình viết ra là sáng tạo, là khác thường. Thú thiệt thì nó tầm thường nên mới tiếp cận được đám đông dễ dãi”.
Chợt nhớ một câu nói dí dỏm của cố nhà văn Võ Hồng: “Thật khó nói chuyện với người chỉ đọc một cuốn sách. Thà đừng đọc gì hết”. Văn chương, có những chuyện thật đáng buồn. Có người dành cả đời để viết một vài tác phẩm có giá trị, nhưng cũng có người chỉ vài năm đã trở thành “nhà văn” nổi tiếng khi in ra hàng triệu bản kiểu “sách thị trường” nói trên. Thử hỏi nếu “văn học thị trường” càng lúc càng chiếm vị trí quan trọng trong văn học thì sẽ còn được bao nhiêu người viết tâm huyết với ngòi bút, viết bằng cả tình yêu thương, hạnh phúc và khổ đau? Tìm đâu ra những tác phẩm có giá trị? Nền văn học nước nhà rồi sẽ đi về? Chúng ta đang thấp hơn nhiều bậc so với thế giới, và có thể sẽ càng ngày càng thụt lùi.
“Sách thị trường” trở thành hiện tượng “hot” và được mọi người săn lùng, trong khi những tác phẩm văn học thật sự có giá trị vẫn hiên ngang… phủ bụi trong nhà sách.

VĨNH THÔNG (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________


Nhãn:

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ